Qua vụ FLC, nhà đầu tư cổ phiếu học được gì?

Phụng Trâm | 19.01.2022

Vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã được một phen “dậy sóng” vì sự việc Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC - Ông Trịnh Văn Quyết, muốn bán “chui” một số lượng cổ phiếu khổng lồ lên tới 175 triệu cổ phiếu. Con số này là gần như toàn bộ số lượng cổ phiếu FLC mà ông Quyết đang nắm giữ (với 215 triệu cổ phiếu). Đây cũng là sự kiện tốn nhiều giấy mực và để lại nhiều bài học cho các nhà đầu tư.

 

 

1. Những bài học để đời cho các nhà đầu tư cổ phiếu

 

Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính quy định rõ những người thuộc nội bộ doanh nghiệp tối thiểu 3 ngày trước thời điểm giao dịch phải công bố các thông tin dự kiến của giao dịch tại website Sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, ông Quyết FLC đã bán cổ phiếu ra trước khi công bố thông tin. Do đó đây được cho là hành vi vi phạm luật và chắc chắn sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý.

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo đó đã ra quyết định quyết liệt và  nhanh chóng để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cổ phiếu FLC trên thị trường. Đã có nhiều đề xuất xử lý được đưa ra nhằm tránh xảy ra những việc tương tự một lần nữa, đó là: đề xuất nâng mức phạt đủ răn đe đối tượng; đưa đối tượng vi phạm vào danh sách đen; giới hạn giao dịch của đối tượng đối với các loại cổ phiếu chứng khoán thuộc quyền sở hữu của lãnh đạo doanh nghiệp, các cổ đông lớn trong doanh nghiệp và những người có liên quan,….

 

 

Mặc dù vậy, điều làm cho sự việc trở nên xôn xao dư luận hơn bao giờ hết còn nằm ở quyết định mua cổ phiếu đến từ nhà đầu tư. Nhà đầu tư qua sự việc FLC chắc chắn sẽ cần phải cẩn trọng và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của chính mình.

 

Ngay sau phiên giao dịch mà ông Trịnh Văn Quyết bán ra 74.8 triệu cổ phiếu không báo cáo, thì 3 phiên kể từ 11-13/01, giá cổ phiếu của FLC đã giảm 19.43%, vốn hóa bốc hơi tới hơn 2,700 tỷ đồng. Chưa kể đến các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu được bán “chui” kia thì cũng có không ít các nhà đầu tư  đã mua cổ phiếu FLC ở mức giá đỉnh để rồi sau khi thông tin vụ việc được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, họ phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề.

 

Các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội những ngày qua ngập tràn các bài đăng liên quan đến vụ việc FLC. Những lời than thân trách phận như: “Lướt nóng vài phiên đi toi mấy tháng lương” hay “Anh Quyết định đạp đổ hết nồi bánh chưng của nhà đầu tư F0” và “Đợt này thì cổ đông FLC lại xa bờ thêm 10 năm nữa rồi” không phải hiếm gặp.

 

 

Cũng có nhiều người cho rằng các nhà đầu tư biết FLC gian lận trong giao dịch cổ phiếu trên thị trường nhưng cứ bất chấp mua vào thì bây giờ tại sao lại trách cứ Chủ tịch FLC? Một số bình luận còn cho rằng: “Cá mập chốt lời là chuyện bình thường, còn mình không chốt sớm là tại mình”,... hoặc tự nhủ sẽ không bao giờ dây vào cổ phiếu FLC.

 

 

2. Bài học rút ra từ vụ việc của Tập đoàn FLC

 

Làn sóng đầu tư chứng khoán sôi động trở lại thời  gian gần đây kéo theo nhiều nhà đầu tư “lão làng” có kiến thức và kinh nghiệm lại không kiếm được lợi nhuận nhiều bằng các nhà đầu tư cổ phiếu có ít kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên thông qua vụ việc FLC kể trên, chúng ta mới “thấm thía” rằng đầu tư vào các doanh nghiệp có thông tin công khai minh bạch và kết quả kinh doanh tốt vẫn khiến người tham gia sân chơi chứng khoán an tâm hơn.

 

 

Nhà đầu tư cổ phiếu, đặc biệt là nhóm F0 với hàng loạt các nhà đầu tư mới nên có biện pháp tự bảo vệ mình trước các loại cổ phiếu, các doanh nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp không công khai minh bạch thông tin. Trong trường hợp muốn đầu cơ, nhà đầu tư cổ phiếu phải tuân theo những nguyên tắc đầu cơ chặt chẽ. Theo chuyên gia nhận định, đầu tư mạo hiểm chỉ nên chiếm tỷ trọng dưới 30% để hạn chế rủi ro; Nhà đầu tư F0 cũng đừng trông đợi quá nhiều vào việc “ôm cây đợi thỏ”., có thể chốt lời sớm thì hãy làm; và đừng bao giờ tắm 2 lần trên cùng 1 dòng sông.

 

Nếu chẳng may nhà đầu tư cổ phiếu F0 gặp phải trường hợp như sự việc ông Trịnh Văn Quyết, khi người đứng đầu bán ra lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng không phải bán cho các đối tác chiến lược mà là bán ra thị trường cho những nhà đầu tư cá nhân, thì chắc chắn triển vọng của doanh nghiệp và các loại cổ phiếu đó chắc chắn sẽ không quá tích cực và buộc nhà đầu tư phải tiến hành cắt lỗ sớm để hạn chế rủi ro lớn hơn.

 

Điều cuối cùng, nếu như hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư cổ phiếu bị mất nhiều tiền thì nhà đầu tư đầu tiên nên tự trách chính bản thân thay vì trách cứ doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp “lùa gà”, bởi nếu như không có quyết định mua cổ phiếu của chúng ta thì liệu rằng sự kiện FLC có khả năng gây tác động lớn đến như vậy hay không?

 

 

Đầu tư cổ phiếu chứng khoán hiện nay đã lần nữa trở lại và sôi nổi hơn xưa, đòi hỏi các nhà đầu tư mới phải trang bị đầy đủ kiến thức, không ngừng học hỏi kinh nghiệm và cập nhật liên tục thông tin biến động thị trường để từng bước tự chủ tài chính.

Tin tức khác

Kết nối với chúng tôi

Thông tin