Giới thiệu một số thiết kế quán cơm văn phòng độc đáo

Phụng Trâm | 06.10.2020

 

Thiết kế quán cơm văn phòng là một loại hình kinh doanh được nhiều nhà đầu tư quan tâm khai thác bởi nhu cầu ăn uống luôn là cần thiết với mỗi người, đặc biệt đối với giới công sở, đây là giải pháp hiệu quả, đáp ứng đủ tiêu chí ngon - sạch - rẻ và tiện lợi. Do vậy nếu lựa chọn mô hình này để kinh doanh, bạn cần chú ý đảm bảo những yếu tố dưới đây để quán cơm văn phòng của bạn mãi là địa chỉ hàng đầu được yêu thích!

 

 

1. Các tiêu chí thiết kế quán cơm văn phòng đẹp

 

1.1. Xây dựng thương hiệu

 

Hình thức quán cơm văn phòng xưa nay phổ biến đều hoạt động dưới hình thức quán gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ chứ chưa nhiều người xây dựng nó thành một thương hiệu uy tín. Thương hiệu là yếu tố quan trọng làm tăng thêm giá trị của quán cơm văn phòng bạn sở hữu với khách hàng. Khi xây dựng thương hiệu hãy chú ý đến việc đầu tư thiết kế nhận diện, training đội ngũ nhân viên chuyên môn, nhiệt tình, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định về VSANTP để khi nhắc đến thương hiệu, khách hàng của bạn sẽ luôn yên tâm sử dụng dịch vụ.

 

1.2. Không gian quán cơm văn phòng

 

Quán cơm văn phòng đôi khi còn là nhà ăn (canteen) của công ty. Khi xây dựng hạng mục này trong các mẫu thiết kế văn phòng làm việc hiện đại ngày nay, các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chú ý xây dựng không gian canteen sao cho hài hòa với thiết kế tổng thể tòa nhà.

 

Quán cơm văn phòng đôi khi còn là nhà ăn (canteen) của công ty, được nhà đầu tư cũng chú ý xây dựng (Ảnh: Pinterest)

 

Tiêu chí tiếp theo cần thực hiện triệt để đó là thiết kế không gian sử dụng rộng rãi cho quán cơm văn phòng để khách hàng cảm thấy dễ chịu, không bị ám mùi đồ ăn như bình thường.

 

Với tiêu chí thiết kế không gian này, bạn nên đầu tư hệ thống hút mùi đi kèm bố trí nội thất ở không gian cả trong và ngoài quán (nếu có thể), trồng và đặt nhiều cây xanh vừa giúp thanh lọc không khí, vừa tạo ra một nơi nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng.

 

1.3. Phân chia không gian quán cơm văn phòng hợp lý

 

Không gian trong quán cơm cần được bố trí và ngăn cách hợp lý, nên có khu vực riêng cho người hút thuốc và không hút thuốc. Nếu quán cơm của bạn có diện tích lớn và thường tổ chức những bữa tiệc liên hoan, hãy thiết kế địa điểm này tách biệt với nơi ăn uống hàng ngày để không làm ảnh hưởng tới các khách hàng khác.

 

Tận dụng tối đa chất liệu kính để ngăn cách các khu vực trong quán ăn hợp lý mà vẫn tạo được sự thoáng đãng (Ảnh: Pinterest)

 

Hệ thống cửa, vách ngăn từ kính tạo ra không gian mở cho quán cơm, tốt cho vấn đề vệ sinh khi mọi người đều có thể quan sát mọi hoạt động chế biến. Chất liệu kính luôn tạo cảm giác sang trọng cho không gian, tận dụng triệt để nguồn ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm chi phí thắp sáng.

 

 

2. Lựa chọn nội thất cho quán cơm văn phòng

 

Nội thất của quán cơm văn phòng không cần quá sang trọng, đắt đỏ mà nên vừa đủ với chi phí đầu tư. Sử dụng các mẫu bàn ghế hiện đại từ chất liệu gỗ, nhựa, tạo ra cảm giác sạch sẽ, mới mẻ. Bố trí bàn ăn tùy vào lượng khách hàng và nhu cầu của khách hàng để xếp nhóm bàn theo quy tắc 2 người, 4 người, 6 người.

 

Sử dụng các mẫu bàn ghế hiện đại tạo cảm giác sạch sẽ, mới mẻ đồng thời bố trí bàn ăn tùy vào lượng khách hàng và nhu cầu của khách (Ảnh: Behance)

 

Quầy gọi món phải được thiết kế rộng rãi và ngăn cách với bên ngoài qua lớp kính. Nơi này vào thời điểm nghỉ trưa sẽ tập trung rất đông người do đó tránh để bàn ghế, các vật dễ rơi như cốc, bát ăn, lọ gia vị ở gần lối đi của khách hàng.

 

Quầy gọi món phải được thiết kế rộng rãi và ngăn cách với bên ngoài qua lớp kính giúp khách dễ quan sát các món ăn (Ảnh: Pinterest)

 

Quán ăn xây dựng khu vực nhà vệ sinh sạch sẽ sẽ ghi điểm tuyệt đối trong mắt những người sử dụng dịch vụ tại đó.

 

Hệ thống bếp nấu thiết kế ngăn nắp với hệ thống chứa, bảo quản thực phẩm thực phẩm bằng inox để tăng tính sạch sẽ. Bếp nấu ăn đi liền với bồn rửa nên được thiết kế theo chiều dọc để tiện hơn cho đầu bếp trong quá trình sơ chế nguyên liệu và chế biến các món ăn.

 

Đầu tư khu vực bếp nấu đầy đủ công năng cùng với các bộ phận riêng biệt, yêu cầu đầu bếp tuyệt đối đeo tạp dề và găng tay suốt quá trình nấu.

 

Liên thông giữa nơi nấu ăn và khu trưng bày món ăn thành phẩm để khách hàng lựa chọn dễ dàng. Quán ăn cũng nên được bố trí vài chiếc tủ lạnh đựng đồ uống hoặc kết hợp mô hình quán ăn và quán cafe là lựa chọn tối ưu giúp chủ đầu tư tiết kiệm ngân sách và thu hút nhiều lượt khách, tạo ra nhiều doanh thu cho quán cơm.

 

 

3. Thiết kế quán cơm văn phòng kết hợp quán cafe

 

Như đã nêu ở mục trên, sự kết hợp giữa quán ăn và quán cafe đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư bởi nếu chỉ phục vụ ăn uống cho giới văn phòng thông thường, khách hàng luôn bị hạn chế về mặt thời gian vì chỉ có thể tới quán cơm vào giờ nghỉ trưa, còn khi kết hợp phục vụ cafe, đồ uống, khách hàng có thể dành cả ngày sử dụng dịch vụ tại quán đồng thời thu hút thêm nhiều lượt lui tới hơn trong cùng thời gian phục vụ của quán.

 

Sự kết hợp giữa mô hình quán ăn và quán cafe là lựa chọn hàng đầu để đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư (Ảnh: Behance)

 

Để thi công thành công mô hình kết hợp đó, bạn hãy lưu ý để phân bố thời gian phục vụ hợp lý, làm khách hàng luôn luôn hài lòng về chất lượng quán cơm văn phòng của bạn đem lại.

 

 

 

Dựa vào những lời khuyên khi thiết kế quán cơm văn phòng hiện đại, tiện lợi, bạn có thể sáng tạo vô vàn phong cách bài trí cho nơi đó trở thành một địa điểm đẹp được không chỉ giới công sở mà cả các nhóm khách hàng khách thường xuyên lui tới.

Tin tức khác

Kết nối với chúng tôi

Thông tin