Kinh nghiệm trả lời câu hỏi tuyển dụng cấp quản lý

Phụng Trâm | 01.03.2022

Vị trí tuyển dụng team leader hoặc manager luôn luôn có tính cạnh tranh cao hơn rất nhiều so với những vị trí thông thường, bởi khi ứng tuyển những vị trí này, nhà tuyển dụng sẽ không chỉ xem xét vấn đề chuyên môn mà cần xét cả kỹ năng về quản lý của bạn. Vậy thì Cen X Space sẽtổng hợp  giúp bạn một số kinh nghiệm khi phỏng vấn vào vị trí quản lý cùng những cách trả lời phỏng vấn để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng.

 

 

1. Kinh nghiệm khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng vị trí quản lý

 

Những cuộc phỏng vấn dành cho các nhà quản lý trong tương lai sẽ luôn xuất hiện những câu hỏi độ khó cao và nhiều tình huống bất ngờ, thậm chí ngay cả những người đã có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ở vị trí nhân viên thông thường chưa chắc đã có thể trả lời. Đặc biệt là khi bạn phải phỏng vấn trực tiếp với Ban Lãnh đạo hay Ban Giám đốc của một doanh nghiệp.

 

Đứng trước những câu hỏi tuyển dụng hóc búa, đầu tiên bạn luôn cần phải giữ được sự bình tĩnh cũng như tự tin. Công việc quản lý trên thực tế đòi hỏi rất nhiều những kỹ năng mềm, xử lý khéo léo và khả năng giữ cho mình một cái đầu “lạnh” trước mọi tình huống, biến cố bất ngờ là điều mà Lãnh đạo mong đợi ở vị trí này. Do đó, những câu hỏi đầy tính lắt léo sẽ  không chỉ nhằm để kiểm tra trình độ chuyên môn của ứng viên mà còn là một thử thách về độ nhanh nhạy, sắc bén khi xử lý vấn đề trong công việc.

 

 

Bạn hãy nhớ rằng, đôi khi những câu trả lời đúng không quan trọng bằng cách thức bạn trả lời hay các bước bạn lựa chọn để xử lý vấn đề. Lấy một hơi thật sâu, thở chậm, đôi khi dừng lại một vài giây để sắp xếp cho dòng suy nghĩ  trở nên hợp lý nhất và chọn lọc những câu từ thật tốt trước khi bạn trả lời.

 

 

2. Một số câu hỏi khi tham gia tuyển dụng việc làm quản lý thường gặp

 

2.1. Những câu hỏi kiểm tra chuyên môn

 

Để lập nên một kế hoạch cụ thể cho dự án (hoặc một kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tuyển dụng, kế hoạch marketing,... theo từng vị trí tuyển dụng quản lý), bạn sẽ bắt đầu ra sao và làm việc theo những bước như thế nào?

 

Trả lời (Tham khảo): Đầu tiên khi dự định lập một kế hoạch chính là cần phải  nghiên cứu kỹ về mục tiêu và nắm rõ các số liệu, thông tin liên quan đến kế hoạch sắp triển khai. Sau đó phải tìm hiểu về thị trường cùng xu hướng tiêu dùng thời điểm đó của ngành hàng, các doanh nghiệp đối thủ, từ đó xác định được mục tiêu cốt lõi của dự án cần phải thực hiện, tìm tòi và nghiên cứu các case study của các brand khác nhằm tìm ra những phương thức thực thi phù hợp với kế hoạch của đơn vị mình.

 

Làm thế nào để giảm thiểu khoảng cách giữa vấn đề lập kế hoạch và quá trình thực thi một kế hoạch bất kỳ?

 

Trả lời (Tham khảo): Khi lập nên một kế hoạch, quan trọng nhất chính là chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, từ chuyên biệt ngành hàng, những khách hàng mục tiêu tới đối thủ. Việc chúng ta nghiên cứu càng kỹ càng bao nhiêu thì kế hoạch khi triển khai sẽ càng giảm thiểu những biến cố bấy nhiêu. Tuy nhiên, khoảng cách giữa lập kế hoạch và thực thi kế hoạch là điều chúng ta không thể tránh khỏi, ngay cả khi chúng ta đã lên chi tiết những dạng kịch bản có thể xảy ra. Do đó, là một người quản lý, chúng ta cần phải bình tĩnh và nhanh chóng khắc phục, xử lý khi có sự cố. Đôi khi sự cố cũng sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp.

 

Hãy trình bày một vài nhận định về xu hướng thị trường trong những năm sắp tới.

 

Trả lời: Để trả lời câu hỏi này từ nhà tuyển dụng, bạn hãy cẩn thận khái quát một chút về xu hướng chung của thị trường nói chung chung, từ hoạt động của những doanh nghiệp top đầu thị trường để từ đó phân tích những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới doanh nghiệp bạn đang tham gia ứng tuyển.

 

 

2.2. Những câu hỏi kiểm tra kỹ năng quản lý 

 

Điều khiến cho bạn cảm thấy khó khăn nhất khi quản lý một nhóm làm việc là gì?

 

Trả lời (Tham khảo): Từ những kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng những điều khó khăn nhất khi tôi trực tiếp quản lý một nhóm làm việc chính là làm sao để giữ được sự cân bằng và tính hài hòa. Một nhóm làm việc thường có từ 3 đến 10 người, mỗi người có cá tính, cách làm việc khác nhau nên rất dễ xảy ra xung đột, và người quản lý cần phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để giải quyết mọi vấn đề có thể phát sinh sao cho đảm bảo hoạt động của công ty nhưng đồng thời duy trì đoàn kết trong đội nhóm.

 

Bí quyết để xây dựng nên một đội nhóm thành công là gì?

 

Trả lời (Tham khảo): Có rất nhiều yếu tố để tạo nên một đội nhóm thành công, trong đó tôi cho rằng yếu tố nhân sự và tầm nhìn của nhà quản lý là 2 điều quan trọng nhất. Một người quản lý tốt vừa phải nắm vững về chuyên môn là việc, có khả năng quan sát toàn diện tình hình, tầm nhìn xa và luôn nhạy bén, người ấy sẽ đóng vai trò làm “kim chỉ nam” của đội nhóm. Đông thời người quản lý cũng phải nắm được khả năng, tính cách của mỗi thành viên để tận dụng tốt nguồn lực con người, từ đó có sự tin tưởng và trao quyền làm việc cho nhân viên, kiểm tra sát sao, động viên đúng lúc, hướng dẫn nhân viên ngày một hoàn thiện.

 

 

 

Thông qua một số kinh nghiệm khi tham gia tuyển dụng vị trí quản lý đã chia sẻ, Cen X Space hy vọng bạn sẽ có thêm sự tự tin và quyết đoán trong buổi phỏng vấn vị trí quản lý sắp tới.

Tin tức khác

Kết nối với chúng tôi

Thông tin