Thiết kế nội thất văn phòng theo kiểu công nghiệp

Phụng Trâm | 23.10.2020

Trong sự phát triển của mảng thiết kế nội thất văn phòng từ thế kỷ XX đến nay, những kiến trúc sư theo đuổi con đường hiện đại, đột phá đã sáng tạo nên một phong cách thiết kế trên cơ sở tận dụng những vật liệu công nghiệp sẵn có. Từ đó, phong cách thiết kế công nghiệp (Industrial) hiện diện và đang ngày một phát triển. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu làm thế nào để áp dụng phong cách ấy vào không gian phòng làm việc một cách linh hoạt nhé!

 

1. Đôi điều về phong cách thiết kế công nghiệp (Industrial)

 

Những năm đầu thế kỷ XX, khi cuộc cách mạng công nghiệp Châu Âu dần suy thoái, các nhà máy tại khu vực Tây Âu liên tiếp bị bỏ hoang do sự luân chuyển xưởng sản xuất sang tay các nước thứ ba với chi phí thấp. Ý tưởng về việc tái xây dựng, tận dụng những tòa nhà công xưởng cũ thành khu dân cư để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân được hình thành.

 

Các kiến trúc sư đặc biệt dùng tối đa những gì có sẵn, còn sót lại khi công xưởng chuyển đi đồng thời đưa thêm các trang thiết bị phục vụ đời sống vào và tạo nên một không gian hiện đại hơn, tinh tế hơn kết hợp thêm phần độc đáo, phá cách, đánh dấu buổi đầu hình thành phong cách thiết kế nội thất, không gian công nghiệp.

 

Một kiểu thiết kế văn phòng làm việc theo phong cách công nghiệp (Ảnh: Pinterest)

 

Kể từ đó về sau, phong cách công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và phát triển với những ý tưởng mới lạ, độc đáo. Có thể nói phong cách nội thất công nghiệp hướng tới sự đơn giản, mộc mạc và mang triết lý hướng con người quay về những giá trị cơ bản. Khác với nhiều phong cách thiết kế khác, thay vì cố gắng che giấu những khiếm khuyết, thô mộc thì phong cách công nghiệp (Industrial) càng khuyến khích điều đó bộc lộ ra. Nó gọt bỏ những xa hoa, rườm rà, chỉ chắt lọc những gì thuần túy và cần thiết nhất cho một không gian sống.

 

Ta có thể thấy rằng tuy thời gian ra đời đã lâu song phong cách thiết kế này rất phù hợp để bố trí những kiểu nội thất văn phòng hiện đại khi nó đề cao tinh thần thiết yếu của hầu hết các thành phần có trong không gian làm việc. Điều này cũng lý giải phần nào lý do mà ở các thành phố lớn của nước ta, kiến trúc sư thường xuyên sử dụng hoặc kết hợp phong cách công nghiệp trong các mẫu thiết kế của mình.

 

 

2. Những đặc điểm chính trong phong cách thiết kế công nghiệp

 

2.1. Tường văn phòng

 

Đặc điểm chính để chúng ta có thể nhận diện ra phong cách Industrial trong một công trình thiết kế chính là từ những bức tường gạch thô, những bức tường bê tông mài, tường ốp gỗ tự nhiên,... nhằm tạo nên một không gian giống công xưởng bằng sự đơn giản, nguyên bản nhưng không kém phần thu hút.

 

Những bức tường gạch thô, tường bê tông mài,... là thứ dễ nhận ra ở phong cách thiết kế công nghiệp (Ảnh: Behance)

 

Khi người trải nghiệm nhìn vào các bức tường trong không gian, mọi người sẽ cảm thấy sự gần gũi, hứng khởi giống những công nhân miệt mài lao động, góp phần cổ vũ tinh thần làm việc cho nhân viên.

 

2.2. Cách bố trí cửa sổ và nguồn ánh sáng

 

Ánh sáng là một phần quan trọng trong kiểu trang trí theo phong cách công nghiệp, bởi đa phần màu sắc chủ đạo sử dụng lên không gian và nội thất của phong cách này là tông trầm, tối do đó luôn cần bổ sung nhiều thiết bị thắp sáng cho văn phòng để tránh làm nơi đây trở nên bức bối, tù túng. Bố trí bóng đèn chiếu sáng càng làm tăng thêm tinh thần công nghiệp của phong cách thiết kế.

 

Hệ thống chiếu sáng làm tăng thêm tinh thần công nghiệp của phong cách (Ảnh: Pinterest)

 

Tiếp đó, khu vực cửa sổ phải được thiết kế rộng, đảm bảo tối đa ánh sáng tự nhiên có thể tiến vào bên trong. Điều này còn tốt cho sức khỏe của toàn bộ những người làm việc tại không gian thiết kế công nghiệp.

 

2.3. Bố trí không gian tối giản

 

Cũng bởi không gian, nội thất trong thiết kế công nghiệp đa phần là màu tối nên càng cần phải hạn chế việc bố trí quá rườm rà gây mất thẩm mỹ, chỉ tập trung vào những đồ vật có giá trị sử dụng cao và đạt tiêu chuẩn nội thất văn phòng đẹp. Ngoài ra cần khéo léo sắp xếp sao cho nơi làm việc của bạn có được một khoảng diện tích tương đối thoáng đãng làm lối đi lại.

 

Bạn cũng có thể tạo điểm nhấn cho phong cách này bằng những vật trang trí có màu sắc nổi bật, tương phản với màu tổng thể trong không gian.

 

 

3. Sử dụng nội thất theo phong cách công nghiệp

 

Đồ nội thất chính trong văn phòng kiểu công nghiệp cũng tương đồng với nội thất của các phong cách khác như bàn làm việc, ghế ngồi, sofa, tủ tài liệu,... nhưng được tăng cường phần nguyên liệu làm từ kim loại, màu sắc trầm, đen càng tăng thêm vẻ khỏe khoắn. Mặt khác, người ta cũng thường phối thêm chất liệu da vào các loại ghế ngồi để thêm phần sang trọng.

 

 

Nội thất đặc trưng với chất liệu kim loại chiếm đa số (Ảnh: Pinterest)

 

Ta còn bắt gặp thêm những tấm lưới giăng thay thế vách ngăn cho không gian được phân chia nhưng không hề bí bách. Gần đây, rất nhiều nơi còn trồng cây cảnh tại khu vực này, như một nét chấm phá nghệ thuật mềm mại xen lẫn vào phong cách tưởng như chỉ toàn sự thô ráp, đơn điệu mà tên gọi của nó mang lại.

 

 

 

Để thiết kế nội thất văn phòng theo phong cách công nghiệp hợp lý, bạn hãy dựa vào những tiêu chí mà Cen X Space đã đưa ra đồng thời tham khảo thêm các mẫu thiết kế khác nhau và sáng tạo lại không gian làm việc theo phong cách của riêng bạn.

Tin tức khác

Kết nối với chúng tôi

Thông tin